14/06/2021 10:49
1388

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền thống lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (16/6/1967 - 16/6/2021)

1. Nhân dân cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)

    1. Nhân dân cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)

    Quán triệt những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, kế thừa truyền thống đoàn kết qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và bảo vệ ANTT nói riêng: nhân dân là gốc; đoàn kết toàn dân là nền tảng sức mạnh, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Vì vậy thời kỳ cách mạng nào, công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng đều có ý nghĩa chiến lược”, “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân”. Cương lĩnh xây dựng đất nước lên thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam là: “Sự nghiệp cách mạng là của dân, do nhân dân và vì nhân dân; chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”.

    Quán triệt những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn khẳng định: sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng”, là biện pháp cơ bản, chiến lược của ngành Công an. Làm tốt công tác vận động quần chúng là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ANTT; để tập hợp, thu hút, hướng dẫn, nâng cao năng lực của nhân dân trong giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT…tạo thế phòng ngừa xã hội, làm nền tảng, tạo điều kiện cho lực lượng Công an tập trung triển khai sâu rộng phòng ngừa nghiệp vụ, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

    2. Sự phát triển lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân luôn gắn liền với sự phát triển, lớn mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

    Trải qua 54 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, cơ bản, chiến lược, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác vận động toàn dân bảo vệ ANTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

    Đã tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 26/6/1980 của Ban Bí thư về cuộc vận động “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công an xã; Chính phủ ban hành Nghị định số 06/NĐ-CP, ngày 21/01/2014 quy định biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiều Nghị định về Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 quy định ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, Kế hoạch liên quan đến công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân và công tác Công an thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở được nâng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và địa phương trong từng thời kỳ cách mạng.

    Tham mưu và phục vụ lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sơ kết, tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; qua tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, là cơ sở để đề ra những các văn bản chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác dân vận của lực lượng CAND; Đẩy mạnh nhân điển hình tiên tiến phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ thời kỳ đổi mới (1986 – 2000), phát động “Phong trào học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ”.  Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp, mang lại hiệu quả cao với từng vùng, từng lĩnh vực, chuyên đề được chỉ đạo nhân rộng. Một số mô hình được nhân rộng toàn quốc như: “Xây dựng cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự”, “Xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị, nhà trường an toàn không có tội phạm, không có ma túy”, “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự”… Các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển đa dạng, phong phú, thiết thực có hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao, đã phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; là cơ sở để xây dựng củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân.

    3. Sự trưởng thành của lực lượng xây dựng phong trào tỉnh nhà.

    Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, cùng với cả nước cán bộ chiến sĩ Công an Thuận Hải đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, với tinh thần mưu trí, dũng cảm lực lượng Công an đã sát cánh cùng lực lượng An ninh khu 6 tiêu diệt hàng ngàn tên cảnh sát ác ôn, thám báo, biệt kích; vô hiệu hóa hàng trăm ban tề ngụy, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá rã hàng ngàn ấp chiến lược, gây hoang mang trong hàng ngũ địch góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng, thống nhất Tổ quốc.

    Những năm đầu giải phóng, lực lượng Công an đã phối hợp các lực lượng liên quan làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức nhiều đợt phát động quần chúng tham gia ổn định tình hình an ninh trật tự, quản lý, giáo dục, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền và tích cực tham gia xây dựng bảo vệ chính quyền nhân dân.

    Trong những năm 1976 -1982, Thuận Hải là một trong địa phương nổi lên hoạt động của bọn FULRO và tàn quân địch còn lẩn trốn ngoài rừng. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy - Lãnh đạo Công an tỉnh về đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh phòng, chống vượt biển trốn ra nước ngoài và phong trào vận động gia đình kêu gọi FULRO  trở về. Công an các địa phương đã triển khai phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tập trung vào hai tuyến biển và tuyến rừng núi giáp ranh.  Trên tuyến biển với: phong trào “Thuận Hải dậy sóng”, đã củng cố và phát huy được thực lực cách mạng tại chỗ để chủ động phát hiện, ngăn chặn âm mưu móc nối đưa người vượt biển trốn ra nước ngoài. Nhờ đó làm giảm gần 70% số vụ vượt biên trái phép khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống của bà con ngư dân trên tuyến biển.

    Trên tuyến rừng: lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy, củng cố chính quyền ngày càng vững chắc, vận động bà con yên tâm định canh, định cư, nhằm nhanh chóng vô hiệu hóa các cơ sở của FULRO ở ngoài rừng. Tổ chức nhiều tổ công tác cắm chốt để phát động quần chúng ở các xã vùng cao hẻo lánh, quần chúng đã phát hiện giúp Công an bóc gỡ 35 cơ sở FULRO bắt 09 tên, cảnh cáo giáo dục 17 tên khác. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, phong trào chống FULRO với khẩu hiệu “người về, súng về, tư tưởng về” tiếp tục đạt được kết quả tốt.  Hàng chục gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cơm nắm, cơm đùm, bám rừng hàng tháng để vận động người thân từ bỏ hàng ngũ FULRO và mang theo vũ khí trở về với cách mạng, với quê hương; hàng trăm đối tượng FULRO được quản lý, cải tạo tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng, an tâm lao động, sản xuất tin tưởng vào đường lối, quan điểm chính sách pháp luật của Nhà nước; với thành tích nổi bật đó đã được Nhà nước tặng cờ luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Giai đoạn 1982 - 1995: Những chuyển biến mới mau lẹ của tình hình, nhiệm vụ cách mạng ở trong nước và thế giới yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc là tập trung vào 4 lĩnh vực, địa bàn trọng điểm gồm: phong trào đấu tranh chống vượt biên trốn ra nước ngoài; phong trào cải tạo cảm hóa FULRO hòa nhập cộng đồng; phong trào đấu tranh chống phản động lợi dụng tôn giáo; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hộ,i tạo môi trường thuận lợi phục vụ có hiệu quả thiết thực các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

    Tại những vùng đồng bào có đạo, lực lượng phong trào đã đi sâu, đi sát cơ sở, làm tốt công tác nắm tình hình, với phương châm 03 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, xây dựng mạng lưới cơ sở rộng khắp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân biết rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và bọn phản cách mạng, kịp thời chặn đứng những luận điệu xuyên tạc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng tại địa bàn cơ sở. Nổi bật nhất trong  phong trào cảm hóa FULRO hòa nhập cộng đồng đó là: do nắm chắc tình hình về tổ chức FULRO do Tounich “Đen” và đồng bọn không còn hy vọng, rất hoang mang dao động, ta nhanh chóng chuyển hướng đấu tranh từ trinh sát đánh diệt sang tấn công chính trị kêu gọi về hàng. Đã tổ chức phát động quần chúng tại địa bàn bốn huyện với 13 xã của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam có hơn 2000 lượt người tham gia, hơn 200 bức thư kêu gọi của chính quyền thông qua quần chúng cốt cán trao vào tận tay Tounich “Đen” giải thích rõ chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước. Do tác động mạnh nên ngày 4 tháng 7 năm 1994 toán FULRO cuối cùng do Tounich “Đen” cầm đầu trên địa bàn tỉnh đã đầu thú tại Công an huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

    Giai đoạn 1995 – 2005, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi và điều kiện mới cho công tác đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bên liên tịch với lực lượng Công an trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự; ký các nghị quyết liên tịch trong phương đa phương và “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”, “Phối hợp vận động toàn dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết 09 của chính phủ và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2002-2005”; “Phòng chống ma túy trong cán bộ công nhân viên chức người lao động”; “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; củng cố thực lực chính trị tại địa bàn cơ sở, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào có đạo; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các già làng trưởng bản người có chức sắc, có uy tín đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gắn với các cuộc vận động “Toàn dân tham gia cảm hóa giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”, “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm truy bắt đối tượng có lệnh truy nã”…

    Giai đoạn từ năm 2005 đến nay:

    Ngày 01 tháng 12 năm 2011 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Công an tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 08, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch 1329 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và Chỉ thị số 30 về thực hiện thông tư 23/2012/TT-BCA ngày 27 tháng 04 năm 2012 của Bộ công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Nhờ đó nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được nâng lên; việc triển khai nhiệm vụ công tác an ninh trật tự hàng năm đến cán bộ cốt cán và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, và cơ quan, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã đi vào nề nếp, được tiến hành theo một trình tự thống nhất từ tỉnh đến huyện, đến xã, thôn, khu phố. Công tác tuyên truyền mục đích ý nghĩa “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo tinh thần Qquyết định 521 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai sâu rộng thành việc làm thường xuyên của lực lượng Công an cơ sở.

    Lực lượng Công an Bình Thuận đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội (ANTQ và PCTP, TNXH) chỉ đạo triển khai phong trào sâu rộng đến các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Qua đó các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) hàng năm, nhất là thực hiện tiêu chí 19 về “An ninh - Quốc phòng” thuộc Bộ tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới và tiêu chí 08 đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội trong bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới. Đặc biệt đã xây dựng và hoạt động có hiệu quả rất nhiều mô hình “tự phòng, tự quản” về ANTT. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang duy trì hoạt động 06 loại mô hình “Tự phòng, tự quản” bảo vệ ANTT, được phổ biến nhân rộng ra 781 địa bàn thôn, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trọng điểm, hình thành theo phương châm: “Dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi” có sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền; CAND tham mưu, hướng dẫn thực hiện điển hình như: Mô hình về an ninh trật tự “Thị trấn an toàn văn minh” tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy phong và các mô hình “Tự phòng, tự quản” như mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”, “Thôn tự quản chống lây lan ma túy”, “Qũy nhân dân với an ninh trật tự”; “Chức sắc Balamôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”; “Tổ liên quân phòng, chống tội phạm”; “Chức sắc tôn giáo tham gia đảm bảo ANTT”; “Dòng tộc văn hóa tự phòng, tự quản”; “Ánh sáng an ninh”; “Khu dân cư bảo đảm ANTT”; “Câu lạc bộ Hội nông dân với pháp luật”; “Tuyến đường an ninh”; “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo ANTT”; …

    Thông qua công tác phát động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và hưởng ứng các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, cán bộ và nhân dân đã cung cấp 157.520 nguồn tin có liên quan đến công tác ANTT, trong đó có 44.980 nguồn tin tố giác tội phạm, giúp cơ quan Công an vận động và phối hợp truy bắt 1.792 đối tượng có lệnh truy nã; điều tra khám phá 4.043 vụ án về trật tự xã hội, làm rõ 5.582 đối tượng; triệt phá 934 vụ buôn bán trái phép chất ma túy; cảm hoá giáo dục 2.516 đối tượng hình sự; giải quyết 30.148 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

    Các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức gọi hỏi răn đe, cảm hóa giáo dục và đưa kiểm điểm trước dân nhiều đối tượng hình sự, ma túy, gây rối làm mất trật tự, an ninh; xử phạt hành chính đối tượng vi phạm an ninh, trật tự; đưa đối tượng vào quản lý tại xã, phường, thị trấn; lập hồ sơ đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, trung tâm cai nghiện... góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

    Ngoài ra, lực lượng bán chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như: Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học, thanh niên xung kích, dân phòng, dân quân tự vệ… ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng, đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an chính quy trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Thông qua hoạt động của các mô hình “Tự phòng, tự quản”, các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT đã cung cấp cho cơ quan chức năng rất nhiều tin liên quan đến ANTT có giá trị, giúp lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

    Hàng năm, Thường trực Ban chỉ đạo các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức đăng ký cam kết thực hiện mục tiêu 3 giảm (giảm phạm pháp hình sự, giảm tai nạn giao thông, giảm tệ nạn xã hội) có 91% số hộ trong toàn tỉnh hưởng ứng ký cam kết thực hiện. Năm 2012, thực hiện Chỉ thị số 30 của UBND tỉnh về Thông tư số 23 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; đến nay đã có: 121/124 xã, phường, thị trấn, cấp ủy có Nghị quyết chuyên đề; Ban Chỉ đạo có kế hoạch về công tác đảm bảo ANTT (đạt tỷ lệ 97,58%); Có 180/180 (đạt 100%) cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trọng điểm cấp tỉnh quản lý và 575/621 (đạt 92,59%) cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cấp huyện quản lý: cấp ủy có nghị quyết, Thủ trưởng có kế hoạch hoặc văn bản khác triển khai công tác đảm bảo ANTT năm 2020. Có 671/698 thôn, bản, khu phố có nghị quyết, kế hoạch chuyên đề hoặc lồng ghép triển khai nhiệm vụ đảm bảo ANTT năm 2020 (đạt tỷ lệ 96,1%).

    Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm qua.

    4. Phát huy truyền thống  54 năm xây dựng và trưởng thành lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn mới.

    Phát huy truyền thống vẻ vang 54 năm xây dựng và trưởng thành, trong những năm tới lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh nhà tiếp tục thực hiện tốt nội dung trọng tâm đó là:

    Thứ nhất: Làm tốt công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đề ra chủ trương, kế hoạch biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện.

    Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ công dân trên lĩnh vực an ninh trật tự để từ đó tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.

    Thứ ba: Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn cụ thể. Vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tích cực thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm, các chương trình quốc gia phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; phát hiện tố giác tội phạm, bài trừ tai, tệ nạn xã hội; tham gia quản lý Nhà nước về an ninh trật tự…;tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng Công an, đoàn thể, chính trị - xã hội và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lồng ghép với các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể.

    Thứ tư: Tiếp tục đề xuất với hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quan tâm chính sách đối với quần chúng bị thương, hi sinh, thiệt hại về tài sản trong khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hoàn thiện các cơ sở pháp luật và xây dựng lực lượng Công an xã và lực lượng nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

    Thứ năm: Nâng cao chất lượng lực lượng làm công tác phong trào một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước, chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm chuyên trách bán chuyên trách công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường biên chế bổ sung cán bộ có trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác xây dựng lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào cơ sở; chăm lo xây dựng lực lượng Ccông an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò các tổ chức tự quản của nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

    Phát huy truyền thống 54 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng xây dựng phong trào, chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng Ủy Công an Ttrung ương, cấp ủy chính quyền và Công an tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh nhà nguyện quyết tâm khắc phục khó khăn, đề cao trách nhiệm, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc