04/05/2023 09:01
197

Không thể "xúc phạm" hình tượng nghệ thuật của các anh hùng liệt sĩ thiếu niên để xuyên tạc, phủ nhận lịch sử

Lịch sử gắn liền với truyền thống, niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Là sợi dây nối liền giữa tiếng vọng ngàn xưa với hơi thở của thời đại. Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn tự hào về những tấm gương vĩ đại như Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên… và biết bao tấm gương lẫm liệt của hàng triệu người trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh. Xuyên tạc lịch sử, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc là một chiêu trò thâm độc và dưới tốc độ của mạng xã hội, các thông tin xuyên tạc này được lan truyền một cách chóng mặt nhưng lại bẻ lái được rất nhiều người nghe, tin và tiếp tục chia sẻ một cách mạnh mẽ, bất chấp đúng - sai. Một trong những kiểu xuyên tạc đó là xuyên tạc các hình tượng nghệ thuật để phủ nhận lịch sử.

1. Phải kể đến là câu chuyện vô cùng “nóng” hiện nay trên các diễn đàn mạng xã hội - đó là đoạn nhạc biến hình với nội dung chế từ bài thơ nổi tiếng “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Những đoạn nhạc phản cảm trên nền nhạc vinahouse  xuất hiện tràn lan và trở nên thịnh hành.

Bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu trong sách giáo khoa. Nguồn: Internet

Ảnh video chế bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Nguồn: Internet

Bài thơ “Lượm” được nhà thơ Tố Hữu viết năm 1949 -  trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và in trong tập Việt Bắc. “Lượm” là một nhân vật văn học nổi tiếng xuất hiện trong bộ môn Ngữ văn trong Chương trình đào tạo cuả Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam. Là một hình tượng nghệ thuật khắc sâu và nằm lòng đối với rất nhiều thế hệ học trò. Là một nhân vật có thật được nhà thơ gặp trên đường từ Hà Nội để trở về Huế tham gia kháng chiến. Bài thơ khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người. Qua đây, tác giả cũng bày tỏ niềm cảm phục, trân trọng, ngợi ca trước sự hi sinh to lớn của các em bé giao liên như Lượm đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của cách mạng nước nhà. Và cùng với “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu, rất nhiều hình tượng nghệ thuật khác được khắc họa trong các tác phẩm nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Trỗi trong “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu,  Võ Thị Sáu trong “Bài thơ chị Võ Thị Sáu” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hay trong bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của tác giả Nguyễn Đức Toàn… góp phần khắc họa những chân dung đi vào huyền thoại với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thế nhưng bài thơ “Lượm” đã bị chế với những ca từ phản cảm gắn với trào lưu biến tướng trên mạng làm nhiều người phẫn nộ. Hình ảnh chú bé Lượm “Chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu nghênh nghênh…” lại biến thành “Chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh/cái chân thoăn thoắt/cái đầu cá moi…” để chỉ một kiểu tóc của các bạn trẻ một cách vô nghĩa. Điều đáng nói video này lại được rất nhiều người dùng trẻ trên mạng xã hội, phần lớn là tiktok sử dụng như một trào lưu đáng tự hào. Vậy thì còn đâu giá trị ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, thúc giục khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, Tổ quốc mà các tác giả đã tâm huyết đặt vào ngay từ khi chắp bút.

2. Còn nhớ năm 2017, rộ lên rất nhiều tranh cãi xoay quanh một clip xuyên tạc về nữ anh hùng Võ Thị Sáu được cho là của một số cá nhân trong giới văn nghệ sĩ. Những người này xuyên tạc cho rằng chị Võ Thị Sáu “tâm thần”. Họ cũng cho rằng nếu là người bình thường chắc chắn sẽ sợ chết. Vì vậy trên đường ra pháp trường sẽ không còn tâm trí đâu để hái hoa cài lên mái tóc và chỉ có những người hoảng loạn đến mức bị điên mới ngắt hoa cài lên mái tóc. Hình ảnh người nữ anh hùng đất đỏ miền Đông “…đi giữa hai hàng lính vẫn ung dung mỉm cười/ngắt một đoá hoa tươi/ chị cài lên mái tóc/đầu ngẩng cao bất khuất…” nhỏ bé mà can trường đầy tự hào trong “Bài thơ chị Võ Thị Sáu” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hay trong rất nhiều tư liệu, bài hát, câu chuyện vốn đã khắc sâu như một tượng đài trong tâm trí của biết bao thế hệ người Việt Nam lại bị xuyên tạc thành hình ảnh mang tính chất là “tâm thần”. Và liệu chăng đó chỉ đơn thuần là sự cẩu thả trong việc đưa thông tin, sử dụng hình ảnh, câu từ hay là âm mưu của một thế lực nào đó? Thời điểm này các thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt có một tốc độ lan truyền trên mạng xã hội đến chóng mặt. Và ngay lập tức trên một số trang mạng uy tín đã có những bài báo khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt với những luận chứng và nhân chứng lịch sử, tài liệu được lật lại để minh chứng một cách đanh thép, thuyết phục góp phần thông tin chính xác đến độc giả về vấn đề trên.

Chân dung anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Nguồn: Internet

Những chặng đường vẻ vang của dân tộc đã được văn chương hoá, nghệ thuật hoá một cách sinh động, trong đó rất nhiều tác phẩm với những hình tượng, câu chuyện có thật đã ra đời, toả sáng trong khói lửa chiến tranh và trường tồn đến tận hôm nay. Thế nhưng, một bộ phận lại vô trách nhiệm với những hình tượng nghệ thuật vốn dĩ là phản ánh chân thực và sinh động về những con người bất khuất hiên ngang, đã hy sinh xương máu cống hiến tuổi thanh xuân, đặt bàn tay khối óc vào mỗi chiến thắng vinh quang chung của toàn dân tộc, những con người là niềm tự hào của cả dân tộc để “biến tướng” thành những trò giải trí rẻ tiền với những nội dung xuyên tạc không thể chấp nhận được.

Việc đổi trắng thay đen, xuyên tạc lịch sử không phải đến hôm nay và cũng không chỉ bằng một phương thức mà đã diễn ra từ lâu, lặp đi lặp lại với muôn hình muôn vẻ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Nhân vật Lượm, Võ Thị Sáu không chỉ là hình tượng nghệ thuật được biết đến trong các tác phẩm văn học mà họ là những chân dung sống, anh hùng liệt sĩ thiếu niên của dân tộc… Câu chuyện về tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của Lượm, Võ Thị Sáu cũng như các anh hùng liệt sĩ Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Vừ A Dính, Trần Văn Ơn, Lý Tự Trọng… đã trở thành tấm gương sáng để các bạn nhỏ trong cả nước ra sức thi đua học tập, rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh máu xương của các thế hệ cha anh. Những kẻ có dã tâm xuyên tạc lịch sử, hạ bệ hình tượng nghệ thuật vốn dĩ là những anh hùng dân tộc là không thể tha thứ và cơ quan chức năng cần có biện pháp để ngăn chặn sự lan truyền của những bài viết, video vô cùng độc hại của chúng.

 Mỗi người trẻ dùng mạng xã hội hãy dành cho những tác phẩm vừa mang giá trí nghệ thuật vừa là hơi thở của lịch sử một sự quan tâm đúng đắn và đầy trách nhiệm. Đó không chỉ là những tác phẩm văn chương, nghệ thuật được thổi hồn một cách sinh động mà còn có ý nghĩa truyền cảm hứng, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng.

Thu Hà