18/05/2023 15:36
278

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy

Trong thời gian gần đây, toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả hết sức nặng nề, không chỉ về tài sản, sức khỏe mà còn là cả tính mạng con người. Bài học đắng lòng sau mỗi vụ cháy, đa phần là thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. 

Vẫn còn một số người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC như: ủy quyền không tham gia kiểm tra công tác PCCC khi có Đoàn kiểm tra về công tác PCCC, không tham gia huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, không dự trù hoặc có dự trù nhưng không đảm bảo kinh phí cho hoạt động PCCC tại cơ sở…

Một trong bốn nguyên tắc của hoạt động PCCC đó là: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; nhưng nếu không phát hiện và không tổ chức chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển lớn, việc tổ chức chữa cháy rất khó khăn, phức tạp và dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Hình ảnh: Tổ chức tự thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở

Rõ ràng không ai khác ngoài người đứng đầu cơ sở giữ vai trò quan trọng trong công tác PCCC của cơ sở mình; bởi người đứng đầu cơ sở là người quyết định mọi hoạt động PCCC của cơ sở mình, cụ thể: từ việc ra quyết định thành lập lực lượng PCCC cơ sở; ban hành nội quy, quy định về PCCC ở cơ sở; đầu tư trang bị các phương tiện PCCC cần thiết; tổ chức duy trì hoạt động PCCC ở cơ sở… tất cả các vấn đề này đều do người đứng đầu cơ sở quyết định. Thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu cơ sở quan tâm đến công tác PCCC thì ở đó công tác PCCC mới thật sự tốt.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH