08/03/2023 08:35
133

Quy trình xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Công an về xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Ban chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I. Quy trình xây dựng mô bình

Chủ thể đề xuất xây dựng mô hình (Công an các cấp; Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên; đại diện Khu dân cư; phòng, ban, lực lượng Bảo vệ, bộ phận được giao nhiệm vụ tham mưu công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục).

 Bước 1: Khảo sát, đánh giá; báo cáo đề xuất xây dựng mô hình

1. Xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá tình hình địa bàn, lĩnh vực dự kiến xây dựng mô hình. Kế hoạch khảo sát, đánh giá phải được cấp ủy, chính quyền cùng cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục phê duyệt trước khi thực hiện.

Nội dung khảo sát, đánh giá: Tình hình chung có liên quan; tình hình an ninh, trật tự; tình hình Nhân dân; tình hình hoạt động của hệ thống chính trị; tình hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách cần khắc phục.  

2. Đề xuất xây dựng mô hình với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cho xây dựng mô hình.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, xác định sự cần thiết phải xây dựng mô hình, mục tiêu cần đạt được từ mô hình, lựa chọn và đặt tên cho mô hình (tên mô hình phải bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, bao hàm nội dung thực hiện).

3. Đối với mô hình liên kết bảo đảm an ninh, trật tự, trước khi báo cáo, đề xuất cần có sự thảo luận, thống nhất giữa các thành viên tham gia mô hình.

Bước 2: Ban hành chủ trương xây dựng mô hình

1. Căn cứ báo cáo, đề xuất xây dựng mô hình, cấp ủy các đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp (nếu có cấp ủy), cơ sở giáo dục, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp (đối với cơ quan, doanh nghiệp không có tổ chức đảng) có chủ trương chỉ đạo xây dựng mô hình.

Chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai xây dựng mô hình.

 Bước 3: Tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến tham gia mô hình

1. Tổ chức tuyên truyền công khai, rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp hoạt động của mô hình, hình thức động viên khen thưởng nhằm thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của Nhân dân đối với chủ trương của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục về việc xây dựng mô hình.

Lấy ý kiến Nhân dân, cán bộ, công nhân viên, các đơn vị liên quan (thông qua hội họp hoặc gửi văn bản dự thảo) về tổ chức và cử thành viên tham gia mô hình (việc cử thành viên tham gia mô hình tiến hành đối với những mô hình có giới hạn về số lượng thành viên; trường hợp mô hình không giới hạn thành viên tham gia thì vận động, khuyến khích thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia).

2. Đối với mô hình liên kết bảo đảm an ninh, trật tự cần lấy ý kiến các đơn vị thành viên về phạm vi hoạt động, thành viên tham gia, quy chế phối hợp và đề cử đơn vị thành viên làm Trưởng mô hình, luân phiên làm Trưởng mô hình.

Bước 4: Ban hành Quyết định thành lập và xây dựng quy chế hoạt động

1. Căn cứ chủ trương của cấp ủy, phạm vi, tính chất hoạt động của mô hình và trên cơ sở báo cáo, đề xuất của chủ thể xây dựng mô hình; Chủ tịch UBND cùng cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ban hành các Quyết định:

(1) Thành lập mô hình;

(2) Thành lập Ban Chỉ đạo mô hình;

(3) Quyết định danh sách thành viên tham gia mô hình;

(4) Kế hoạch ra mắt mô hình.

2. Đối với mô hình liên kết thì đơn vị thành viên được đề cử làm Trưởng mô hình có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý đơn vị mình ra quyết định.

3. Ban Chỉ đạo mô hình ban hành:

(1) Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo mô hình;

(2) Quy chế hoạt động của mô hình: phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, thẩm quyền; phương thức hoạt động; tiêu chuẩn nhân sự thành viên; mối quan hệ công tác; nguồn kinh phí, chế độ, chính sách, hình thức động viên, khen thưởng, xử lý vi phạm; chế độ thông tin, báo cáo, hội họp; quy chế phối hợp (đối với mô hình liên kết);

(3) Kế hoạch hoạt động của mô hình (theo năm), xác định rõ: Mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu; nội dung, nhiệm vụ; biện pháp, giải pháp; điều kiện, nguồn lực kinh phí, lực lượng, phương tiện; thời gian tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tổ chức quán triệt cho các thành viên tham gia mô hình về nội dung quy chế; mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên tham gia mô hình (nếu có); phương pháp hoạt động của mô hình và bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, pháp luật cho các thành viên tham gia mô hình (nếu thấy cần thiết); trang bị phương tiện, vật chất... (có biên bản hoặc văn bản ghi nhận buổi quán triệt).

Bước 5: Tổ chức ra mắt và củng cố, duy trì hoạt động mô hình

1. Tổ chức ra mắt mô hình (mở hội nghị riêng hoặc lồng ghép với hội nghị khác, tổ chức buổi lễ ra mắt mô hình, buổi họp dân) và đưa mô hình đi vào hoạt động.

Đây là thủ tục cần thiết, mang tính chất tuân thủ pháp luật, động viên khích lệ, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên tham gia mô hình; đồng thời phát động Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia mô hình.

2. Lực lượng Công an thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình; kiểm tra, đôn đốc hoạt động của mô hình; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập để tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế, củng cố, kiện toàn mô hình, điều chỉnh nội dung, biện pháp hoạt động, đề ra biện pháp giải quyết đối với mô hình hoạt động không đúng mục tiêu ban đầu, có dấu hiệu biến tướng hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

 Các cuộc họp, tập huấn phải được ghi nhận biên bản hoặc văn bản.

3. Định kỳ sơ kết 6 tháng, tổng kết 01 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp trên, Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng mô hình báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của mô hình.

- Báo cáo đề xuất cấp trên xếp loại mô hình.

II. Đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình

1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời gian công nhận xếp loại mô hình

(1) Ban Chỉ đạo mô hình báo cáo kết quả hoạt động của mô hình trong một năm (mốc thời gian đánh giá từ ngày 01/11 năm trước đến ngày 31/10 năm sau) và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá, xếp loại cho mô hình (đồng gửi qua đơn vị Công an trực tiếp quản lý địa bàn, lĩnh vực); thời gian gửi báo cáo trước ngày 05/11.

- Cấp có thẩm quyển xét duyệt, thẩm định, quyết định xếp loại mô hình; thời gian hoàn thành trước 10/11.

- Cấp nào có thẩm quyền quyết định thành lập mô hình thì cấp đó có thẩm quyền xét duyệt, thẩm định, quyết định xếp loại mô hình.

- Kết quả đánh giá, xếp loại mô hình hằng năm gửi về Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (qua Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ) trước ngày 15/11 để tập hợp, theo dõi.

Việc đánh giá hiệu quả, xếp loại hoạt động mô hình được tổ chức thực hiện hằng năm vào dịp tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Điều kiện đánh giá, xếp loại mô hình

- Mô hình do cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

- Có thời gian hoạt động từ đủ 10 tháng trở lên (tính từ ngày có quyết định thành lập).

3. Tiêu chí đánh giá, xếp loại mô hình

(1) Mô hình xếp loại Tốt khi đạt đủ các tiêu chí sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của mô hình được quan tâm; tạo điều kiện về nguồn lực kinh phí, lực lượng, phương tiện...

- Mô hình hoạt động hiệu quả, hoàn thành 90% trở lên chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hoạt động của mô hình trong năm.

- Mô hình thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của các ngành, tổ chức, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển; thu hút được các nguồn lực xã hội hóa.

- Các thành viên tham gia mô hình thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động, quy chế phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, phạm vi, thẩm quyền.

- Công tác thông tin báo cáo kịp thời, đúng quy định.

- Hồ sơ lập, lưu trữ đầy đủ tài liệu, sắp xếp khoa học.

(2) Mô hình xếp loại Khá khi đạt đủ các tiêu chí sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của mô hình được quan tâm; tạo điều kiện về nguồn lực kinh phí, lực lượng, phương tiện...

- Mô hình hoạt động hiệu quả, hoàn thành 70% đến dưới 90% chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hoạt động của mô hình trong năm.

- Mô hình thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của các ngành, tổ chức, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân báo vệ an ninh Tổ quốc phát triển.

- Các thành viên tham gia mô hình thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động, quy chế phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, phạm vi, thẩm quyền.

- Công tác thông tin báo cáo kịp thời, đúng quy định.

- Hồ sơ lập, lưu trữ đầy đủ tài liệu, sắp xếp khoa học.

(3) Mô hình xếp loại Trung bình:

- Mô hình hoạt động theo quy chế, kế hoạch hoạt động hằng năm.

- Mô hình có sự tham gia của các ngành, tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân; hoàn thánh 50% đến dưới 70% chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hoạt động của mô hình trong năm.

- Các thành viên tham gia mô hình thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động, quy chế phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ theo đúng chức năng, phạm vị, thẩm quyền.

- Công tác thông tin báo cáo đúng quy định.

- Hồ sơ lập, lưu giữ đầy đủ tài liệu, sắp xếp gọn gàng, khoa học.

 (4) Mô hình xếp loại Yếu:

- Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của mô hình chưa được quan tâm thường xuyên.

- Mô hình hoạt động không đúng quy chế, kế hoạch đề ra; mang tính hình thức; hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch hoạt động của mô hình trong năm.

- Các thành viên tham gia mô hình hoạt động cầm chừng, thiếu trách nhiệm hoặc bị xử lý kỷ luật/vi phạm pháp luật.

- Hồ sơ mô hình không có, thông tin báo cáo không trung thực.

Lưu ý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, căn cứ tính chất, đặc điểm của mô hình, Ban Chỉ đạo, Tổ nòng cốt mô hình có thể đề ra các tiêu chí cụ thể, sát hợp để đánh giá, xếp loại mô hình.

III. Nhân rộng, kết thúc mô hình

1. Nhân rộng mô hình: Lựa chọn mô hình hoạt động hiệu quả, thực sự tiêu biểu trong số những mô hình hoạt động “Tốt” đề xuất nhân rộng trên địa bàn, lĩnh vực khác có tính tương đồng.

Phương pháp nhân rộng: Tùy tính chất, đặc điểm của mô hình và tình hình thực tế để có hình thức nhân rộng phù hợp (tổ chức hội nghị; thông báo kinh nghiệm, giao lưu, tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm; tài liệu tuyên truyền phổ biến về mô hình...).

Việc triển khai nhân rộng mô hình được thực hiện theo quy trình các bước như quy trình xây dựng mô hình.

Đối với những mô hình hoạt động “Tốt” đã được nhân rộng trên địa bàn và xét thấy mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả tại các địa bàn được nhân rộng hoặc mô hình mới triển khai nhưng có cách làm hay, sáng tạo, thực sự hiệu quả đối với những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm thì gửi hồ sơ mô hình, tờ trình (hoặc báo cáo) đề xuất Cục V05 thẩm định, thông báo kinh nghiệm, nhân rộng toàn quốc.

2. Kết thúc mô hình: Trường hợp mô hình hoạt động “Yếu”, không còn phù hợp với thực tiễn thì kết thúc theo trình tự:

Bước 1. Báo cáo đánh giá toàn diện về quá trình hoạt động của mô hình từ khi thành lập; xác định rõ nguyên nhân, lý do phải kết thúc mô hình.

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của các thành viên về chủ trương kết thúc hoạt động của mô hình.

Bước 3. Trình cấp có thẩm quyền (cấp nào ra quyết định thành lập thì cấp đó có thẩm quyền kết thúc mô hình) ban hành quyết định kết thúc mô hình.

Bước 4. Thông báo công khai việc kết thúc mô hình để Nhân dân, cán bộ, công nhân viên cùng biết.

IV. Xây dựng điển hình

1. Quy trình xây dựng điển hình

Chủ thể xây dựng điển hình (Công an các cấp; Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên; đại diện Khu dân cư; phòng, ban, lực lượng Bảo vệ, bộ phận được giao nhiệm vụ tham mưu công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục).

Bước 1: Tổ chức khảo sát

Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình liên quan đến an ninh, trật tự kết quả thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự và để phát hiện, lựa chọn, xây dựng điển hình trên một mặt, một số mặt hoặc điển hình toàn diện.

Cần hướng xây dựng điển hình vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, khâu yếu, mặt yếu nhằm bảo đảm cho điển hình khẳng định được khả năng vượt trội trong tổ chức thực hiện và hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, phải xây dựng tiêu chí đối với điển hình làm căn cứ đánh giá kết quả hoạt động.

Bước 2: Xây dựng điển hình

Trên cơ sở lựa chọn những tập thể, cá nhân để xây dựng thành điển hình;

(1) Chủ thể xây dựng điển hình báo cáo, đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp về việc xây dựng điển hình;

(2) Ban hành kế hoạch xây dựng điển hình.

Kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu; nội dung, biện pháp thực hiện, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; công tác tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng; phân công lực lượng tổ chức thực hiện.

Bước 3: Đánh giá điển hình và đề xuất công nhận điển hình

(1) Trong thời gian 01 năm tính từ ngày ban hành kế hoạch xây dựng điển hình thì tiến hành đánh giá kết quả thực hiện của điển hình để công nhận điển hình hoặc kết thúc xây dựng điển hình.

(2) Điển hình tự đánh giá kết quả hoạt động, thành tích đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm để giúp cá nhân, tập thể khác áp dụng làm theo.

(3) Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của chủ thể xây dựng điển hình, cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ra quyết định công nhận điển hình hoặc kết thúc xây dựng điển hình.

2. Sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình

(1) Việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình gắn với sơ kết, tổng kết mô hình và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phương pháp nhân rộng: Tùy tính chất hoạt động của điển hình và tình hình thực tế để có hình thức nhân rộng phù hợp (có thể đưa vào một nội dung trong Hội nghị sơ kết, tổng kết, triển khai công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục hoặc “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tổ chức hội nghị riêng, tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình, tổ chức giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, ký kết giao ước thi đua, gửi thông báo kinh nghiệm, gương điển hình...),

 (2) Việc triển khai nhân rộng xây dựng điển hình được thực hiện theo quy trình các bước như quy trình xây dựng điển hình.

3. Kết thúc xây dựng điển hình

(1) Khi yêu cầu công tác không còn phù hợp với việc xây dựng điển hình hoặc điển hình hoạt động không hiệu quả cần thay thế bằng điển hình khác thì kết thúc xây dựng điển hình, vào dịp tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của đơn vị, địa phương.

(2) Báo cáo, đề xuất cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ra quyết định kết thúc xây dựng điển hình và thông báo cho điển hình biết việc kết thúc xây dựng điển hình

V. Hồ sơ công tác xây dựng, nhân rộng mô hình

Tài liệu trong bộ hồ sơ mô hình gồm:

(1) Kế hoạch khảo sát.

(2) Báo cáo kết quả khảo sát.

(3) Báo cáo đề xuất xây dựng mô hình.

(4) Chủ trương của cấp ủy về xây dựng mô hình.

(5) Văn bản triển khai thực hiện.

(6) Quyết định thành lập mô hình; Ban chỉ đạo xây dựng mô hình; danh sách thành viên mô hình.

(7) Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; quy chế hoạt động mô hình; quy chế phối hợp (đối với mô hình liên kết).

(8) Các văn bản liên quan đến việc tổ chức ra mắt mô hình; tổ chức làm điểm (nếu có).

(9) Kế hoạch hoạt động của mô hình hằng năm.

(10) Báo cáo kết quả hoạt động định kỳ, đột xuất.

(11) Tài liệu chứng minh hiệu quả hoạt động của mô hình.

(12) Sổ theo dõi thu, chi quỹ (nếu có).

(13) Văn bản đề xuất, quyết định công nhận mức xếp loại mô hình hằng năm; quyết định khen thưởng của các cấp có thẩm quyền (nếu có).

(14) Các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, sửa đổi quy chế, bổ sung danh sách thành viên (nếu có).

(15) Kế hoạch, báo cáo sơ kết, tổng kết mô hình.

(16) Các văn bản, tài liệu liên quan đến việc xây dựng, nhân rộng hoặc kết thúc mô hình (nếu có).

2. Hồ sơ công tác xây dựng, nhân rộng điển hình

(1) Kết quả khảo sát địa bàn, lĩnh vực, đối tượng.

(2) Bộ tiêu chí đối với điển hình.

(3) Kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng điển hình.

(4) Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của điển hình.

(5) Các văn bản về công nhận, kết thúc xây dựng điển hình; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng (nếu có).

VI. Công tác lập, quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ

1. Đối với những mô hình do chủ thể là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục xây dựng thì do chính các đơn vị đó lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ theo quy định của Luật lưu trữ.

2. Đối với mô hình liên kết thì các đơn vị thành viên đều lập hồ sơ để theo dõi.

3. Đối với mô hình do lực lượng Công an chủ trì, lưu trữ theo quy định của Bộ Công an./.

Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc