Nhẹ dạ cả tin
Cuối tháng 2 vừa qua, anh Nguyễn Văn Vịnh, chủ một gara ô tô ở phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang đến trụ sở Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bắc Giang để tập huấn theo thư mời thì mới phát hiện thư mời này là giả.
Trước đó vài hôm, có đối tượng gọi điện thoại đến gara của anh tự xưng là cán bộ phòng cháy và yêu cầu cơ sở cử người tham gia tập huấn, tài liệu và thư mời sẽ được chuyển phát bảo đảm. Nhận thư chuyển phát, anh trả cho nhân viên bưu tá gần 500 nghìn đồng để nhận một quyển sổ tay hướng dẫn và thư mời tập huấn. Đến khi có mặt tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, anh mới biết mình đã bị lừa.
Giống như anh Vịnh, thời gian qua đã có nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp bị lừa bằng thủ đoạn như vậy. Trước đó, còn có các đối tượng mạo danh cán bộ phòng cháy gọi điện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để bán sách, tài liệu liên quan. Tất cả giao dịch đều được thực hiện qua điện thoại và chuyển phát bảo đảm.
Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng. Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang nhận được đơn trình báo của chị Trần Thị N. ở huyện Lục Nam về việc bị lừa đảo gần 500 triệu đồng. Cụ thể, chị quen với một người nước ngoài qua Facebook, người này tự xưng là lính Mỹ đang công tác tại Trung Đông. Hiện đối tượng đang có trong tay một lượng lớn vàng thỏi và không thể vận chuyển về Mỹ sau khi kết thúc đợt công tác. Để làm tin, y còn gửi hình ảnh các thỏi vàng cho chị N. xem.
|
Lực lượng chức năng tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo. |
Một thời gian sau, đối tượng đề nghị chị bán vàng tại Việt Nam, nếu bán được thì chuyển thành USD và gửi vào tài khoản của y, chị cũng sẽ được chia một phần tiền. Khi chị N. đồng ý bán hộ, đối tượng nói chuyển vàng về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh bảo đảm. Sau đó, có nhân viên điện cho chị yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản để chi trả cước phí do tài sản có giá trị lớn. Nhưng khi chị chuyển 470 triệu đồng vào tài khoản thì ngay lập tức số tiền bị rút và người bạn nước ngoài của chị cũng không liên hệ được nữa...
Chủ động phòng ngừa
Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số vụ việc đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Ví dụ như với tội phạm công nghệ cao, toàn bộ thông tin, tài khoản trên mạng xã hội, số điện thoại mà các đối tượng sử dụng đều là “ảo”, có trường hợp dù đã hack được tài khoản nhưng đối tượng vẫn dùng song song với chính chủ nhân để chiếm đoạt thông tin. Tài khoản nhận tiền ở các ngân hàng cũng không phải chính chủ. Do đó, khi điều tra, cơ quan Công an rất khó lần ra dấu vết đối tượng.
Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, nhìn chung, trong các vụ việc, đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, thậm chí là lòng tham của người bị hại để lừa đảo.
Một số thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là: Giả mạo Cơ quan điều tra, người thân thông báo nội dung liên quan và yêu cầu người dân chuyển tiền; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP; sử dụng website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng nhằm đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi đăng nhập website của ngân hàng.
|
Các đối tượng dùng mọi hình thức đểlừa đảo người dân. |
Để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị chức năng của Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng đến người dân. Đồng thời, có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương và tổ chức, đoàn thể sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần thiết lập đầy đủ các tính năng bảo mật, không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu cho người khác, không đăng nhập vào các ứng dụng, đường link không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp mật khẩu, tài khoản. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.