Vào những dịp diễn ra các lễ hội, người dân với tâm lý thoải mái thường khoác lên mình những bộ trang phục đẹp, đeo nhiều trang sức lộng lẫy, sử dụng điện thoại để chụp ảnh, ... tạo ra sơ hở để các đối tượng trộm cắp, cướp giật ra tay.
Thủ đoạn hoạt động
Các đối tượng phạm tội hay xuất hiện trong các lễ hội thường là đối tượng cướp giật (dây chuyền, túi xách, điện thoại) và các đối tượng trộm cắp tài sản (móc túi, trộm xe máy). Các đối tượng này thường đi theo nhóm, giả làm người đến tham gia lễ hội, có khi dẫn theo cả trẻ em và người già, chủ yếu lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn, xô đẩy tại khu vực lễ hội để ra tay với thủ đoạn giật dây chuyền, túi xách rồi nhanh tay tẩu tán cho đồng bọn, hoặc dùng kìm bấm loại nhỏ cắt đứt dây chuyền, trang sức, dùng dao rạch túi xách, balo để đồng bọn chờ sẵn nhặt tài sản.
Ngoài ra, người dân đi xe máy đến tham gia các lễ hội thường mất cảnh giác quên rút chìa khóa xe khi dừng lại, xuống xe mua sắm, vui chơi hoặc nhiều người vì ngại gửi xe nên đậu xe ở những khu vực không có người trông giữ. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Lợi dụng việc người dân mất cảnh giác quên chìa khóa trên xe các đối tượng có thể nhanh chóng leo lên xe bỏ chạy. Mặt khác đối với phương tiện không có người trông giữ, các đối tượng trộm cắp có thể dễ dàng bẻ khóa, chiếm đoạt phương tiện.
Đối với các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh, các đối tượng trộm cắp, cướp giật thường hoạt động ở khu vực các gian hàng, khu vực sân khấu. Đặc biệt là khu vực tập trung nhiều người đứng xem, người dân thường mất cảnh giác do mải mê quan sát, chụp ảnh, quay phim vào thời điểm biểu diễn. Đồng thời, thời điểm diễn ra hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường tập trung rất đông người dân, chen lấn, xô đẩy nên các đối tượng dễ trà trộn để giật dây chuyền, điện thoại và tẩu thoát.
Mặt khác, việc các đối tượng hoạt động theo nhóm nhưng đi riêng lẻ, sau khi chiếm đoạt được tài sản, chúng thường chuyền cho đồng bọn cất giấu ngay lập tức nên một số trường hợp dù bắt được đối tượng nhưng không tìm được tài sản trên người chúng và chúng kiên quyết không thừa nhận hành vi phạm tội, không quen biết lẫn nhau gây rất nhiều khó khăn cho việc điều tra, xử lý của cơ quan Công an. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ tài sản khỏi các hành vi trộm cắp, cướp giật đó chính là mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, xóa bỏ những sơ hở của bản thân để không trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.
Cảnh giác thủ đoạn
Người dân cần lưu ý cảnh giác và hạn chế mang theo nhiều tiền, điện thoại đắt tiền, giấy tờ quan trọng và nhất là không đeo quá nhiều trang sức. Nếu đeo dây chuyền có giá trị cần mặc áo kín cổ hoặc áo khoác, hạn chế đeo túi xách và sử dụng điện thoại nơi đông người để không tạo cơ hội cho các đối tượng phạm tội. Nên đi đông người và đi gần nhau, nhắc nhở nhau cùng bảo vệ tài sản. Nên gửi xe tại các điểm giữ xe có vé và khóa xe cẩn thận. Khi phát hiện đối tượng có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản cần nhanh chóng hô hoán để người dân và các lực lượng tuần tra, chốt chặn kịp thời phát hiện, truy bắt các đối tượng phạm tội. Khi bị mất trộm tài sản cần báo ngay cho lực lượng Công an gần nhất hoặc tổ tiếp nhận tin báo, tố giác thường bố trí tại khu vực Ban tổ chức nhằm giúp cho lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp tìm lại tài sản cho người dân và các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh trật tự chung trong khu vực.
Người dân khi đến tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại các lễ hội cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định an toàn giao thông, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông; chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của lực lượng chức năng cả bên trong và bên ngoài khu vực diễn ra lễ hội nhằm bảo vệ an toàn tài sản, sức khỏe, tính mạng cho bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời góp phần cùng lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, trật tự để các lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn.
Phòng Cảnh sát hình sự