10/01/2023 13:58
182

Chuyển đổi số - Dòng chảy công nghệ

Chuyển đổi số là một yêu cầu bức thiết được đặt ra trong thời kỳ bùng nổ khoa học – kỹ thuật, đặt ra yêu cầu phải bám sát thực tiễn, đón đầu, nắm bắt theo kịp xu hướng công nghệ mới.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của cả toàn Đảng, toàn dân, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Công an đã đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật tạo điều kiện để doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực, dịch vụ mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển. Công an tỉnh Bình Thuận đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực công tác, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khó khăn từ đó tạo được niềm tin, sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Thời gian qua đã thực hiện tốt việc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong lực lượng Công an nhân dân. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; chỉ đạo Công an các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thu thập, kiểm tra, phúc tra, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và đồng bộ vào hệ thống CSDLQG về dân cư được 1.476.671 nhân khẩu thường trú; cập nhật 2.416 đối tượng quản lý theo pháp luật, 11.509 đối tượng quản lý theo nghiệp vụ; đã phối hợp đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi việc triển khai, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với 115/126 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh, xây dựng danh mục và tiến hành số hóa các loại hồ sơ, tài liệu theo từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, lập danh sách các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thường xuyên rà soát các Cổng thông tin điện tử của cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Quyết định ban hành Quy định về việc quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ có hiệu quả việc phát triển Chính phủ điện tử. Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch đảm bảo hậu cần – kỹ thuật.

Hiện nay, đường truyền mạng LAN nội bộ trong Công an tỉnh hoạt động cơ bản, đảm bảo liên tục thông suốt đến các huyện, thị xã, thành phố. Trong năm 2020, Công an tỉnh đã đầu tư trang thiết bị mới như máy tính, nâng cấp đường truyền Internet tại các đơn vị quản lý, sử dụng dịch vụ hành chính công đảm bảo công tác. Phối hợp với VNPT khảo sát địa điểm lắp đặt thiết bị, đường truyền kết nối để thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực công tác, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các hệ thống, phần mềm nghiệp vụ do Bộ Công an cấp như: Phần mềm cấp phát, quản lý CMND, phần mềm quản lý tờ khai CMND, cấp phát biển số xe, hộ chiếu,…

Phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” tại địa bàn cơ sở, đến nay đã có 98 xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thị xã, thành phố và 27 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cấp tỉnh quản lý xây dựng mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”, qua đó góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm. Thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tuyên truyền kiến thức bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng và các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao cho giáo viên, học sinh, sinh viên biết, phòng ngừa.

Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính tạo thuận lợi để phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện ứng dụng CNTT trên các mặt công tác, trong đó cốt lõi là thực hiện tốt Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2022; Nghị quyết 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử. Huy động sức mạnh tổng thể các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân góp phần thực hiện thành công vào công cuộc chuyển đổi số./.

Vũ Thị Thắng