1/1980
Phá vụ án Vũ Ngọc Đăng và đồng bọn tổ chức vượt biển
Vào 22/1/1980, Ty Công an Thuận Hải nhận được đơn phát giác và lời thú tội của Nguyễn Lượi là Lượi đã cùng đồng bọn tổ chức trốn ra nước ngoài có liên quan đến Vũ Ngọc Đăng linh mục Chánh xứ nhà thờ Thanh Hải - thị xã Phan Thiết.
Vũ Ngọc Đăng đã móc nối, tạo điều kiện cho bọn phản cách mạng ở địa phương lợi dụng nhà thờ làm điểm cất dấu vũ khí trái phép đồng thời kích động bọn phản động và phần tử xấu chống phá cách mạng. Chính Đăng là người điều khiển việc mua súng, bố trí việc cướp thuyền đi vượt biển với âm mưu hoạt động chống phá cách mạng lâu dài.
Qua xác minh lời khai của Nguyễn Lượi kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ ta đã nắm chắc âm mưu, ý đồ, đối tượng cầm đầu và đối tượng tham gia, ngày 25/1/1980 ta quyết định phá án và tiến hành bắt Nguyễn Thị Thất, Dương Kim Loan, Vũ Ngọc Đăng, Nguyễn Văn An và đến ngày 5/5/1980 ta bắt Nguyễn Lượi.
Vũ Ngọc Đăng bị tuyên án 12 năm tù giam, các đối tượng khác từ 2 đến 10 năm tù, thu giữ 1 khẩu súng Rulo và 3 viên đạn, 1 đồng hồ chỉ dẫn vào bãi biển Vũng Tàu, đóng cửa nhà thờ bị chúng lợi dụng để cất dấu vũ khí và tuyên truyền phản động. Vụ án kết thúc đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, giúp quần chúng thấy được âm mưu của bọn phản động lợi dụng tôn giáo để tham gia tích cực vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
1/1980
KHÁM PHÁ VỤ ÁN GIẾT NGƯỜI TẠI HUYỆN ĐỨC LINH
Ngày 21/1/1980, sau quá trình điều tra, truy xét ta bắt tên Đỗ Văn Đại, giết gia đình ông Đỗ Tài ở xã Nam Chính huyện Đức Linh để cướp một xe đạp và một con heo.
Tên Đỗ Văn Đại sinh năm 1953 ở Đức Linh - Thuận Hải, lợi dụng chỗ quen thân với gia đình ông Đỗ Tài ở Nam Chính, Đức Linh, ngày 26/9/1979, Đại đến gia đình ông Tài chơi và ở lại ăn cơm chiều. Đến tối Đại rủ em Hùng ( 13 tuổi, là con ông Tài ) dùng xe đạp ông Tài đi xem phim nhưng Đại lại chở Hùng ra quán mua rượu uống, Tài cho Hùng uống 1 ly rượu và cho 10 đồng mua trái cây. Trên đường về Đại dùng dây cao su trói tay, quấn 4 vòng vào cổ Hùng vào cây ven đường làm em Hùng ngạt thở chết để cướp xe; đến nhà ông Tài, Đại nói với ông Tài là Hùng đang xem phim, đến khi vợ chồng ông Tài đi ngủ, Đại lấy cán rìu đập vào đầu ông Tài làm ông Tài chết tại chỗ, sau đó y khống chế bà Đồ (vợ ông Tài) lấy tiền, bắt bà ngồi một chổ để y đun nước làm thịt heo. Làm thịt heo xong, y bắt bà Đồ đến bên giếng, đồng thời y dùng 4 khúc gỗ nặng lao xuống, giết cho bà chết hẳn, tuy nhiên bà may mắn còn sống
Thực hiện xong các hành vi giết người, Đại chở thịt đi bán được 210 đồng và bán xe đạp được 200 đồng . Sau đó y trốn ra Nghĩa Bình và bị bắt theo lệnh truy nã. Trong vụ án này bà Đồ không chết là nằm ngoài dự tính của y vì vậy Đỗ Văn Đại đã bị Toà án nhân dân tỉnh xử tử hình.
29/1/1980
KHÁM PHÁ VỤ ÁN BỌN PHẢN ĐỘNG PHỤC KÍCH
BẮN CHẾT CÁN BỘ, CƯỚP SÚNG Ở TRẠI HÀM TÂN
Hồi 6 giờ 30 phút ngày 18/8/1979, phân trại A trại cải tạo Hàm Tân xuất trại cho phạm nhân đi lao động như thường lệ. Đồng chí Nguyễn Văn Quân và đồng chí Thanh là cảnh sát vũ trang được phân công dẫn giải và quản lý đội 7 đi lao động trồng rau, đội có 38 tên hầu hết là phản cách mạng tập trung cải tạo. Quản giáo đội là đồng chí Tuấn và đồng chí Quí cũng ra nhà lô cùng đội 7 để bàn giao công việc, đồng chí Tuấn quản lý 2 phạm nhân gánh nước uống ra sau. 7 giờ kém 15 phút, đội 7 đi đến địa điểm lao động cách trại 500m về hướng Đông Nam. Đến nơi, đồng chí Quân cho đội tập hợp điểm số, đội trưởng phạm nhân báo cáo số lượng phạm nhân đủ, đồng chí Quân cho phạm nhân giải tán để chuẩn bị lao động. Khi phạm nhân vừa ra khỏi hàng được vài mét thì nghe 2 phát súng nổ tại điểm tập kết, đồng chí Quân ngã xuống, tất cả phạm nhân hoảng sợ chạy tán loạn tìm nơi ẩn nấp. Ngay lúc đó 1 tên chạy ra chỗ đồng chí Quân nằm, cướp 1 khẩu súng CKC trong có 8 viên đạn, 1 mũ cảnh sát và chạy ra phía sau cùng đồng bọn vượt qua suối vào rừng.
Nghe tiếng súng nổ, đồng chí Thanh vội tụt thang chòi gác ở nơi lao động xuống đất, tưởng phạm nhân cướp súng nên đồng chí Thanh bắn 3 phát cảnh cáo và cùng đồng chí Quí chạy vào vf thấy đồng chí Quân đã hi sinh. Ngay lập tức đồng chí Thanh và Quí ra lệnh cho phạm nhân tập hợp, điểm số, đồng thời đã triển khai lực lượng theo phương án chống phạm nhân gây bạo loạn.
Theo một số phạm nhân kể lại, sau khi nghe tiếng súng nổ, thấy 1 người mặc quần áo rằn ri chạy ra cướp súng, mũ và cùng đồng bọn chạy vào rừng. Ta xác định là bị kẻ địch bên ngoài phục kích bất ngờ nên khẩn trương báo cho dân quân, công an địa phương triển khai phương án bao vây, ngăn chặn, truy lùng nhưng không có kết quả. Sau đó Công an tỉnh và Công an huyện đã khám nghiệm hiện trường thu được 3 vỏ đạn AR15 và thấy có dấu vết của 4 tên để lại trên đường. Qua thu thập tình hình được biết trước đó 1 tháng có 1 phạm nhân ở đội này trốn trại, ta nghi có liên quan đến vụ án nên Ty Công an đã mở rộng diện điều tra, phối hợp cục KH6, quân sự huyện, Ban giám thị trại bàn kế hoạch và tiến hành truy quét bọn trốn trại, bọn gây án tại khu vực núi Bể. Sau 2 lần truy quét trong vùng và địa bàn quanh trại đến ngày 8/9/1979 ta đã bắn chết 3 tên (trong đó có tên Hiếu là phạm nhân trốn trại ), bắt sống 1 tên.
3/1980
ĐIỀU TRA LÀM RÕ VỤ LẤY CẮP SÚNG
NHÀ NƯỚC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI
Ngày 27/3/1980, quần chúng phát hiện và báo tin có vụ âm mưu dùng súng cướp ghe vượt biển trốn ra nước ngoài, lực lượng công an đã kịp thời truy bắt Lê Văn Ba, là đối tượng trong vụ án. Qua đấu tranh khai thác Ba khai ra nguồn gốc khẩu súng, ta truy bắt Nguyễn Thị Hồng và Hồng đã thú nhận lấy cắp súng AK và 21 viên đạn tại Bưu cục Lagi- Hàm Tân.
Nguyễn Thị Hồng tham gia công tác tại Bưu cục Lagi (HàmTân) từ năm 1975. Sau thời gian công tác thị Hồng có thái độ tư tưởng không tốt, vô ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức tác phong kém, quan hệ với nhiều phần tử xấu ngoài xã hội đã được cơ quan giáo dục giúp đỡ nhiều lần nhưng thị Hồng cố tình không sửa chữa vì vậy Bưu điện Hàm Tân đề nghị Ty Bưu điện ra Quyết định buộc thôi việc cho về địa phương từ ngày 1/2/1980.
Từ ngày nhận được quyết định thôi việc Hồng không chịu về địa phương (Bắc Bình) mà cứ lảng vảng ở khu vực Lagi để quan hệ với số phần tử xấu đồng thời lợi dụng quen biết cũ với một số nhân viên Bưu cục Lagi nên Hồng thường xuyên tới đây chơi với mục đích chờ cơ hội lấy cắp súng của Bưu cục Lagi để cướp ghe thuyền vượt biển trốn đi nước ngoài.
Nguyễn Thị Hồng nhiều lần bàn bạc với Lê Văn Ba (trú tại tổ 28 tiểu khu 15 Lagi - Hàm Tân) và thống nhất hành động vào lúc 22h ngày 23/3/1980 thị Hồng vào Bưu cục Lagi trò chuyện với đồng chí Thảo là nhân viên, còn Lê Văn Ba đợi ở ngoài, lợi dụng lúc Thảo đi xuống phòng dưới thị Hồng lấy cắp khẩu AK để ở đầu giường mang ra và đưa cho Lê Văn Ba, Hồng và Ba đưa khẩu AK về nhà Ba cất giấu xong Hồng quay về Bưu cục Lagi xin ngủ lại giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra. Sáng Hồng đến nhà Ba chơi và trưa quay lại Bưu cục ăn cơm. Đến 27/3 Hồng và Ba thực hiện ý đồ cướp ghe vượt biển trốn ra nước ngoài nhưng bị lộ. Nguyễn Thị Hồng và Lê Văn Ba đã bị truy tố trước pháp luật.
5/1980
BẮT TÀU NƯỚC NGOÀI XÂM PHẠM LÃNH THỔ,
THU THẬP TIN TỨC TÌNH BÁO
Ngày 8/5/1980 tại tọa độ 10o30'12" vĩ độ Bắc, 108010' kinh đông thuộc lãnh hải Việt Nam, ta đã bắt tàu đánh cá Hoành Tăng 1 biển số CT5 - D585 của Đài Loan xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam, thuyền trưởng là Chu Thành Thái, báo vụ viên là Quan Tử Nghĩa cùng 14 thuyền viên khác.
Qua đấu tranh khai thác cho thấy bọn chúng được sự chỉ đạo trực tiếp của đồn kiểm soát Cảng Cao Hùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh bị Đài Loan, có nhiệm vụ quản lý tình hình trật tự trị an và an ninh, chúng đã được huấn luyện cách thức thu thập tình báo, cách thức đánh một bức điện về trung tâm chỉ huy, cách thức điền vào mẫu báo cáo in sẳn. Thuyền trưởng và báo vụ viên của Công ty Ngư nghiệp Hoành Tăng đều do Bộ tư lệnh Cảnh bị Đài Loan trực tiếp tuyển lựa.
Ngoài việc đánh cá trộm, chúng còn âm mưu thu thập tin tức tình báo chiến lược về số lượng cá, khả năng khai thác đánh bắt hải sản, tình hình vận chuyển hàng hoá từ miền Bắc vào miền Nam từ các nước vào nước ta. Phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn chúng là từ ngoài biển quan sát trực tiếp bằng mắt thường hoặc ống nhòm rồi điện báo về trung tâm chỉ huy của chúng.
Vụ án này Toà án nhân dân tỉnh Thuận Hải đã tuyên tên Chu Thành Thái 12 năm tù giam, Quan Tử Nghĩa 10 năm tù giam còn 14 tên khác miễn tố, tha.
7/1980
LÀM RÕ VỤ THAM Ô TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
TẠI TOÀ ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHAN THIẾT
Thân Tấn Chức được lãnh đạo Toà án nhân dân thị xã Phan Thiết cử làm thư ký kiêm thủ quỹ từ tháng 7 năm 1979 cho đến ngày 15 tháng 7 năm 1980. Trong thời gian này Chức đã nhiều lần lấy các khoản tiền tang vật chưa có quyết định xử lý, tiền thi hành án, tiền án phí, tiền cơ quan tạm ứng của phòng tài chính tổng cộng là 1.324 đồng đem tiêu xài, sắm sửa đồ dùng cho bản thân và cho gia đình.
Ngày 16 tháng 7 năm 1980 anh Thiện kế toán toà án thị xã Phan Thiết lại giao cho Chức khoản tiền tang vật của 2 vụ án hình sự là 7600 đồng để Chức đem gửi ngân hàng nhưng Chức đã không gửi ngân hàng mà còn viết giấy giới thiệu và séc lĩnh tiền mặt rồi giả chữ ký của bà Lê Thị Hoa chủ tài khoản của cơ quan và chữ ký của anh Nguyễn Toàn Thiện kế toán đem đến ngân hàng rút 2660 đồng. Gộp 2 khoản tiền trên được 10.260 đồng, y đem về nhà mẹ đẻ 400 đồng, cho chị ruột là Thân Thị Thành vay 90 đồng, trả nợ cho chị Bảy Thước 100 đồng còn lại y đem cất.
Sáng ngày 18/7/1980 Thân Tấn Chức mang cả số tiền còn lại bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 20 tháng 7 năm 1980 cơ quan điều tra truy nã bắt được y cùng vợ và con tại bến xe liên tỉnh Miền Đông ở thành phố Hồ Chí Minh. Qua khám xét ta thu giữ đựơc một số tang vật Chức mang theo khi chạy trốn gồm 9.080 đồng tiền mặt, 1 xe đạp mini, 1 đồng hồ Senkô, 1 tập giấy giới thiệu và 2 giấy đi đường (tất cả những giấy tờ này đã được đóng dấu của Toà án nhân dân thị xã Phan Thiết trong đó có 5 tờ có chữ ký giả mạo của ông Phan Thanh Trang chánh án Toà án nhân dân thị xã Phan Thiết), 1 tập séc lĩnh tiền gồm 15 tờ.
Như vậy kể từ ngày Thân Tấn Chức làm thủ quỹ cho đến ngày bị bắt y đã tham ô 11.504 đồng . Hành vi phạm tội của Chức là rất nghiêm trọng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thời gian phạm tội liên tục, kéo dài và ngày càng phát triển với một lượng tiền quỹ tương đối lớn vì vậy y phải chịu trach nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội do mình gây ra. Ngoài ra sau khi bị bắt vào trại thì ngày 22 tháng 8 năm 1980 Chức đã cùng đồng bọn tổ chức trốn trại nhưng đã bị công an bảo vệ trại phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Ngày 21 tháng 10 năm 1980 Toà án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Thân Tấn Chức 5 năm tù giam và phải bồi thường toàn bộ số tiền đã tham ô cho Toà án nhân dân thị xã Phan Thiết.