16/04/2020 10:10
735

Công an Bình Thuận Biên niên sự kiện lịch sử Chương I (7/1980 - 12/1980)

7/1980

Khám phá vụ án phản động "Đảng nhân dân Việt Nam, mặt trận phục quốc nhân quyền Việt Nam".

Ngày 18/7/1980 lực lượng công an tỉnh đã phá một tổ chức phản động mệnh danh là "Đảng nhân dân Việt Nam, mặt trận phục quốc nhân quyền Việt Nam" do tên Võ Văn Sáu 25 tuổi, xã đội phó xã Tân Thành huyện Hàm Tân, cầm đầu. Hắn nắm sử dụng du kích địa phương và tập hợp số ngụy quân, ngụy quyền của 3 xã Tân Thành, Tân Hải, Tân Thuận gồm 55 tên với âm mưu dùng vũ trang nổi dậy lật đổ chính quyền 3 xã này tiến tới lật đổ chính quyền huyện Hàm Tân vào đêm 19/7/1980.

Từ đầu tháng 7/ 1980 chúng đã phát triển tổ chức ở Tân Thành được 18 tên, Tân Hải 9 tên, Tân Thuận 2 tên, phòng thông tin văn hoá huyện Hàm Tân 2 tên và 1 số du kích thôn, xã, số thanh niên lạc hậu, quần chúng, cán bộ bất mãn.

Thủ đoạn hoạt động của bọn này là tuyên truyền xuyên tạc đường lối của Đảng về cải tạo XHCN trong nông nghiệp, lôi kéo một số nhân viên phòng thông tin văn hoá huyện, chiến sỹ công an bảo vệ nhà tạm giữ huyện làm nội ứng cho lực lượng chúng khi lật đổ chính quyền cấp huyện, mở cửa trại giam giải thoát can phạm và kịp thời truyền thanh lời kêu gọi của chúng. Võ Văn Sáu đã dự thảo tài liệu làm cơ sở phát triển tổ chức, 1 bản nội dung " Lời kêu gọi " làm tài liệu tuyên truyền đồng thời y sử dụng con dấu của Chi y tế Bình Tuy cũ để làm con dấu cho tổ chức.

Đêm 15/7/1980, tại nhà tên Võ Thừa Tưởng ở Thôn Văn Kẻ, xã Tân Thành chúng đã mở một cuộc họp gồm: Võ Văn Sáu, Võ Thừa Tưởng, Văn Văn May, Võ Văn Nhẫn do tên Võ Văn Sáu chủ trì để bàn kế hoạch cướp chính quyền vào đêm 19/7/1980.

Sáng ngày 18/7/1980 tên Võ Văn Hai cùng tên Võ Văn Mến, Phan Văn Dĩ đến nhà Võ Văn Sáu để nhận 2 khẩu M16, 1 súng Carbin và 5 băng đạn để chuẩn bị hành động. Tên Trần Văn Cư (ở phòng thông tin văn hoá huyện Hàm Tân) nhận của Võ Văn Sáu 1 bản lời kêu gọi để phối hợp với lực lượng vũ trang dùng đài phát thanh huyện Hàm Tân phát đi những lời kêu gọi của tổ chức phản động “sau khi giành được chính quyền”.

Khi ta phát hiện, kế hoạch của chúng bị bại lộ. Công an và chính quyền địa phương bố trí lực lượng bao vây truy bắt bọn phản động. Tên Võ Văn Sáu ngoan cố chống trả lại nên đã bị bắn chết tại chỗ, nhiều tên bị bắt, một số chạy vào rừng sau về đầu thú như: Nguyễn Văn Tư, Huỳnh Văn Hai, Nguyễn Minh Tuấn.

8/1980

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ 92 CỦA BAN BÍ THƯ

Ngày 25/6/1980 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 92 về cuộc vận động "Xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Đây là cuộc vận động chính trị lớn nhằm nâng cao chất lượng của lực lượng công an, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thi hành chỉ thị của Ban Bí thư và kế hoạch chỉ đạo của Bộ Nội vụ, tháng 8 năm 1980, Sở Công an Thuận Hải đã tổ chức quán triệt nội dung và triển khai thực hiện, tổ chức cho toàn bộ cán bộ chiến sỹ học tập và phát động phong trào thi đua theo hai bước.

Bước 1: Tổ chức cho cán bộ chủ chốt các sở và các phòng ban, huyện thị nghiên cứu chỉ thị và kế hoạch thực hiện. Sau đó triển khai rộng khắp đến tất cả quần chúng. Qua đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa mục đích, mục tiêu yêu cầu nội dung cuộc vận động và xác định trách nhiệm mỗi người, mỗi cấp, mỗi ngành đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, đưa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, mạnh mẽ, liên tục, vững chắc.

Bước 2: Mở đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu Nghị quyết 9 và 10 (Hội nghị Trung ương 6) Chỉ thị 86 và 92 của Ban Bí thư nhằm quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trước tình hình mới. Từ đó, tiến hành tự phê bình và phê bình từ cấp uỷ lãnh đạo đến đảng viên, chiến sỹ và xây dựng phương hướng, kế hoạch, mục tiêu, yêu cầu nội dung để kiểm điểm và có chương trình hành động khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm của từng cá nhân và đơn vị.

Đến cuối năm 1980 đại đa số cán bộ chiến sỹ đều có sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và hành động nâng cao nhiệt tình công tác chiến đấu, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Do biết tập trung chỉ đạo đúng mức vào đơn vị trọng điểm, đối tượng trọng điểm, đấu tranh thấu tình đạt lý vừa thẳng thắng không khoan nhượng vừa mang tính giáo dục thuyết phục vì vậy đã mang lại hiệu quả cao. Qua các đợt phê và tự phê bình Ty Công an đã xử lý kỷ luật 174 cán bộ chiến sỹ đã không giữ vững phẩm chất đạo đức, buộc thôi việc 99 người.

Từ Ban cán sự, Đảng uỷ cơ quan Ty cũng như từng đơn vị, cá nhân đã được kiểm điểm đều phấn khởi nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt đã tổ chức cho 4 đồn công an và 2 ban công an xã kiểm điểm tự phê bình trước dân. Qua đó tăng cường sự giám sát của quần chúng nhân dân đối với lực lượng công an góp phần xây dựng lực lượng công an cơ sở vững mạnh.

8/11/1980

KHÁM PHÁ ÂM MƯU TỔ CHỨC VƯỢT BIỂN
TẠI VĨNH THUỶ - PHAN THIẾT

Qua nguồn tin của quần chúng cho biết, tên Nguyễn Văn Phát sau khi bị sa thải khỏi ngành công an cho về địa phương làm ăn sinh sống với gia đình nhưng không chịu làm ăn lương thiện mà có tư tưởng trốn ra nước ngoài.

Để có kế hoạch tổ chức vượt biên an toàn, ngày 10/10/1980 Phát đã móc nối với tên Long - Cảnh sát bảo vệ, trước là đồng nghiệp với nhau để bảo vệ bến bãi cho chúng đi trót lọt.

Trưa 25/10/1980 Phát mời Long đến nhà chơi và nói với Long "bây giờ gia đình lủng củng thường gây lộn với anh chị nên mình muốn trốn ra nước ngoài ", nhờ Long bảo vệ bến bãi nắm tình hình canh gác và di động hàng ngày cho bọn Phát đi an toàn, Phát sẽ cho Long 2 lượng vàng. Khi móc nối được Long, Phát tiếp tục móc nối thêm Nguyễn Văn Dũng ở Phú Thuỷ, Phan Thiết. Ngày 26/10/1980 Hùng từ Hàm Minh xuống Thanh Hải mua cá mắm và vào nhà Phát chơi và Phát đã thuyết phục được Hùng vào tổ chức.

Khi đã có người tham gia vượt biên, Phát triệu tập đồng bọn về nhà y bàn bạc cụ thể:

- Lần 1: Ngày 25/10/1980 gồm có Dũng, Long, lần này Phát phân công cho Dũng lo móc nối thêm người, Long kiếm cho Phát 1 bộ quần áo, nón cảnh sát để giả mạo Công an khi đưa người xuống bến.

- Lần 2: Ngày 30/10/1980 có Hùng, Dũng, Long, Phát phân công Hùng lo ghe và nhắn lại phần việc của Dũng, Long như trên.

- Lần 3: Ngày 5/11/1980 có Hùng, Dũng, Long, nội dung họp Phát chủ yếu nhắc nhở cố gắng lo ghe, còn bến bãi đã có anh Long. Nhưng Hùng cho biết đã gặp anh Tư ngoài Thanh Hải để lo ghe và hẹn gặp Hùng 9/11/1980 tại nhà thờ Lạc Đạo để bàn cụ thể. Lần này Long đã đưa cho Phát bộ quần áo cảnh sát đã cũ.

- Lần 4: Để củng cố lòng tin cho Hùng, Phát đưa cho Hùng và Dũng mang lưới đi đánh cá, vừa đưa Hùng vừa xem xét tình hình để tạo cớ gặp Long.

Chúng chưa kịp thực hiện mưu đồ đã bị Công an bắt giữ. Đưa tập trung cải tạo 3 năm đối với Phát, quản chế 12 tháng đối với Nguyễn Minh Hùng, Long, Dũng.

12/1980

ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG NĂM1980

Thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng, Chỉ thị 92 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 35, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Bộ Nội vụ ... toàn lực lượng công an đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới ". Qua đợt sinh hoạt cán bộ chiến sỹ công an đã được nâng cao thêm một bước về nhận thức về tình hình, nhiệm vụ, thúc đẩy các hoạt động của lực lượng tiến lên. Nhiều đơn vị có sự chuyển biến rõ nét về đoàn kết nội bộ, rèn luyện phẩm chất, ý thức trách nhiệm của nhiều đồng chí được nâng lên, hạn chế và đẩy lùi các hoạt động tiêu cực từ nhiều phía tác động vào cán bộ chiến sĩ.

Về tổ chức: Đã giải thể phòng thông tin và ban chỉ huy tiểu đoàn Cảnh sát cơ động 370, giảm nhẹ biên chế của Ty bổ sung cho huyện, thị. Đề bạt 1 phó trưởng Ty, 1 trưởng Công an huyện, 1 phó Công an huyện và giao cho một số đồng chí phụ trách nhiệm vụ phó trưởng phòng, phó trưởng huyện.

Công tác xây dựng Đảng cũng được tăng cường, đã phát triển thêm 60 Đảng viên mới nâng tỷ lệ Đảng viên lên 18,6%, đoàn viên có 1829 đồng chí chiếm tỷ lệ 84,72 %.

Liên tiếp trong những năm từ 1976 đến 1980 năm nào cũng được tặng thưởng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Nội vụ, đặc biệt năm 1977 được tặng cờ luân lưu của Hồ Chủ Tịch, năm 1980 được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng cờ truyền thống "Bảo vệ ANTQ" và được quyền Chủ tịch nước tặng lẵng hoa.

12/1980

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 32 CỦA BỘ NỘI VỤ VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA TỈNH ỦY VỀ CHỐNG CHIẾN TRANH TÂM LÝ CỦA ĐỊCH

Trong năm 1980 tình hình an ninh xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Bọn phản động quốc tế và các thế lực thù địch tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt; tập trung bao vây kinh tế, cô lập, chia rẽ, làm mất uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, phản tuyên truyền, nói xấu Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ các lực lượng vũ trang, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng ...

Bọn phản động và các phần tử bất mãn đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc làm cho một số cán bộ đảng viên và quần chúng thiếu cảnh giác đã bộc lộ những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng.

Quán triệt Chỉ thị 92/CT-TW ngày 25/6/1980 của Ban Bí thư, Nghị quyết 31/NQ-TW ngày 2/12/1980 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 32 của Bộ Nội vụ, Ty Công an đã tham mưu cho tỉnh uỷ ra chỉ thị về "Chống chiến tranh tâm lý" của địch. Nội dung yêu cầu các cấp uỷ Đảng, các cơ quan tuyên huấn, văn hoá thông tin, báo chí, các đoàn thể quần chúng, lãnh đạo các cơ quan xí nghiệp phải chịu trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền cho mọi người thấy rõ tác hại của chiến tranh tâm lý, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng đấu tranh vạch mặt bọn phản động và các phần tử xấu, bất mãn, xuyên tạc, nói xấu chế độ, gây chia rẽ nội bộ, tung tin hoang mang trong nhân dân.

Ty Công an phối hợp với Ban tuyên giáo, Sở văn hoá thông tin biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền về chống chiến tranh tâm lý, trong đó vừa vạch rõ âm mưu hoạt động chiến tranh tâm lý của địch và hướng dẫn quần chúng các biện pháp đấu tranh. Nhờ đó mà quần chúng có ý thức cảnh giác, góp phần ổn định tư tưởng quần chúng, làm thất bại một bước chiến tranh tâm lý của bọn đế quốc và phản động quốc tế.

12/1980

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 108 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ CHỐNG HIỆN TƯỢNG TIÊU CỰC TRONG LỰC LƯỢNG CAND

Năm 1980 thực hiện Chỉ thị 81 của BBTTW Đảng, Chỉ thị 40 của Bộ nội vụ, Nghị quyết số 01, chỉ thị số 22 của Thường vụ tỉnh uỷ, lãnh đạo Ty công an đã tổ chức quán triệt trong nội bộ , bàn bạc và hướng dẫn biện pháp chống tiêu cực đồng thời thành lập các tiểu ban 79 chống tiêu cực trong nội bộ công an các cấp. Phát động phong trào thi đua đặc biệt phát huy bản chất truyền thống cách mạng và đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng được cụ thể hoá bằng phong trào "2 nghiêm cấm, 4 phê phán " làm nội dung cho việc kiểm điểm và mục tiêu phấn đấu cho từng cán bộ chiến sỹ. Phong trào này được sự chỉ đạo chặt chẽ nghiêm túc, ban cán sự, lãnh đạo Ty đã xác định đối tượng, địa bàn, lực lượng trọng điểm để có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, và biện pháp đấu tranh sát, đúng với quan điểm vừa chống vừa xây, lấy xây là cơ bản trên cơ sở phê bình và tự phê bình, sâu sắc khắc phục sửa chữa những sai lầm khuyết điểm đồng thời coi trọng công tác chống tiêu cực xử lý phải thật nghiêm, đúng chính sách thấu tình, đạt lý, có quy trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chỉ huy trực tiếp, nếu cán bộ chiến sỹ, nhân viên của đơn vị mình vi phạm thì lãnh đạo đó phải chịu trách nhiệm, vì vậy đã có tác động mạnh mẽ đến nội bộ ngành, tạo được chuyển biến tốt.

Ban cán sự, lãnh đạo Ty chỉ đạo chặt chẽ, có kiểm tra, đôn đốc và phân công cho 3 phòng: Tổ chức cán bộ, Công tác chính trị, Ban thanh tra có trách nhiệm theo dõi, phản ánh kịp thời cho Ban cán sự, lãnh đạo Ty để có biện pháp và hướng chỉ đạo.

Thực hiện chủ trương trên, Đảng uỷ đã tiến hành kiểm điểm 2 đồng chí Đảng uỷ viên làm thí điểm trong phê và tự phê bình, 89 cán bộ chủ chốt và 336 cán bộ chiến sỹ thuộc 24 đơn vị đã tiến hành kiểm điểm, một số đơn vị đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, sai lầm, các địa phương đã giảm bớt tệ gây phiền hà trong nhân dân (năm 1979 có 35 trường hợp đánh người, năm 1980 chỉ còn 13 trường hợp. Tham ô, trộm cắp 37 vụ năm 1979, năm 1980 chỉ còn 19 vụ; bắt oan sai năm 1979 có 37 người, năm 1980 chỉ còn 12 người ).

Về xây dựng lực lượng, đã có những bước phát triển mới, đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ phát triển rộng và đi vào chiều sâu. Xác định thái độ nghiêm túc, thành khẩn kiểm điểm trước dân, qua làm thí điểm một số Đồn công an và Công an xã, các cấp uỷ Đảng, huyện, thị rất hài lòng, nội bộ trong ngành qua kiểm điểm đã có chuyển biến tốt góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị cho các cấp uỷ Đảng ở địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Qua việc thực hiện Chỉ thị 108 của Ban bí thư Trung ương Đảng, được các ngành, giới và nhân dân hết sức ủng hộ, tổng kết năm 1980 toàn lực lượng công an đã bình chọn được 16 đơn vị quyết thắng được Bộ tặng cờ, 18 đơn vị tiên tiến được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng cờ. Về cá nhân 4 chiến sĩ quyết thắng được Bộ tặng bằng khen, 52 chiến sỹ thi đua, 522 cá nhân xuất sắc loại I được Trưởng ty cấp giấy khen và 482 đồng chí được biểu dương. Công an tỉnh được Thường vụ tỉnh uỷ tặng bức tranh khắc nổi bản di chúc của Bác Hồ và đồng chí Chủ tịch tỉnh tặng lá cờ truyền thống thêu dòng chữ " Vì an ninh Tổ quốc ".