Chính sách

Xét hưởng chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Tên thủ tục Xét hưởng chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
Thời hạn giải quyết Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Đối tượng thực hiện Cá nhân.
Cách thức thực hiện Trực tiếp tại Phòng Tổ chức cán bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan thực hiện Phòng Tổ chức cán bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả thực hiện Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân
Lệ phí

Không.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ, vào Công an nhân dân từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương hiện không hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể được thực hiện trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 4 hoặc trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trình tự thực hiện

1. Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng lập bản khai theo mẫu và nộp các giấy tờ quy định cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
2. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
a) Hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn;
b) Tổ chức thẩm tra, xác minh, lập danh sách, gửi hồ sơ, báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tiếp nhận hồ sơ do Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chuyển đến;
b) Tổ chức thẩm tra, xác minh, xét duyệt và lập hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 08/11/2010 của Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh xã hôi, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ gửi về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Cục Tổ chức cán bộ- Bộ Công an).
c) Tiếp nhận hồ sơ do Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đã giải quyết chuyển về; tổ chức trao giấy chứng nhận hưu trí cho các đối tượng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng; chi trả trợ cấp một lần; truy trả lương hưu (bao gồm cả trợ cấp khu vực nếu có) cho thân nhân đối tượng đã từ trần theo quyết định của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và thanh quyết toán với Cục Kế hoạch- Tài chính, Bộ Công an theo quy định.
d) Chuyển 01 bộ hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định để Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý và chi trả lương hưu cho đối tượng.
4. Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân:
a) Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng chế độ.
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, chế độ trợ cấp một lần; cấp số hồ sơ hưởng chế độ hưu trí; cấp giấy giới thiệu hưởng chế độ hưu trí; ra quyết định truy trả lương lưu, trợ cấp mai táng phí, trợ cấp tử tuất một lần (hoặc hàng tháng) đối với các đối tượng đã từ trần theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 05; lưu trữ 01 bộ hồ sơ và chuyển hồ sơ đã giải quyết về Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
c) Chuyển 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam để quản lý và lưu trữ.

Thành phần hồ sơ

+ Thành phần hồ sơ:
a) Bản khai cá nhân của đối tượng (mẫu số 01), trường hợp đối tượng từ trần thì thân nhân đối tượng khai (mẫu số 05). Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng lập 03 bản khai có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
b) Kèm theo bản khai các nhân phải kèm theo một hoặc một số giấy tờ gốc, hoặc được coi là giấy tờ gốc, hoặc giấy tờ liên quan làm căn cứ xét duyệt (bản chính hoặc bản sao có công chứng hoặc bản sao có xác nhận của Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), sau đây:
+ Lý lịch cán bộ, hoặc lý lịch quân nhân, hoặc lý lịch Đảng viên, hoặc sổ bảo hiểm xã hội;
+ Quyết định thôi việc, xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân; bản khai quá trình đóng bảo hiểm xã hội hoặc quyết định giải quyết chế độ xuất ngũ, thôi việc;
+ Các giấy tờ liên quan khác có thể chứng minh được quá trình công tác trong Công an nhân dân và diễn biến tiền lương như: quyết định tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương; giấy chiêu sinh vào học tại các trường Công an nhân dân; danh sách cán bộ; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật, giấy chứng nhận thương binh (đối với đối tượng là thương binh)…
+ Trường hợp không còn giấy tờ để xác định được thời gian công tác trong Công an nhân dân, hoặc Quân đội nhân dân thì phải có giấy xác nhận của đơn vị công tác (cấp Vụ, Cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương) trước khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thôi việc, xuất ngũ, hoặc đi lao động hợp tác quốc tế (trường hợp đơn vị công tác của cán bộ, chiến sĩ đã giải thể hoặc tách ra thành nhiều đơn vị thì đơn vị quản lý cấp trên theo thẩm quyền quản lý hồ sơ xác nhận);
+ Huân, Huy chương kháng chiến (hoặc giải phóng) và các hình thức khen thưởng khác.
c) Văn bản đề nghị xét hưởng chế độ (kèm danh sách) của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú theo mẫu số 02.
d) Giấy chứng tử, giấy báo tử (đối với trường hợp đã từ trần).

Mẫu đơn, mẫu tờ khai
Cơ sở pháp lý

+ Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg, ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
+ Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 08/11/2010 của Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh xã hôi, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010.