Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Thuận triển khai Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Phòng Cảnh sát Môi trường đã tham mưu Công an tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1255/KH-UBND ngày 13/4/2023 thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2022.
Bình Thuận có diện tích rừng hơn 338.000 ha rừng các loại và vùng biển có diện tích hơn 52.000 km2 là một trong ba ngư trường lớn nhất của cả nước. Đặc biệt Bình Thuận có 04 khu bảo tồn (KBT), trong đó có 02 KBT thiên nhiên là Tà Kou và Núi Ông; 02 KBT biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 là KBT biển Hòn Cau và KBT biển đảo Phú Quý đang trong giai đoạn nghiên cứu để thiết lập KBT. Hệ thực vật, động vật tại các KBT đa dạng, phong phú gồm 1.200 loài thực vật, trong đó có ít nhất 36 loài nguy cấp được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) và danh mục đỏ thế giới (IUCN2009); 454 loài động vật, trong đó có 62 loài thú, 142 loài chim, 65 loài bò sát, 25 loài ếch nhái, 160 loài côn trùng, 146 loài san hô, 78 loài động vật phù du, 107 loài động vật đáy và loài cá rạn san hô; 02 KBT biển còn là nơi có rùa biển đẻ trứng và đặc biệt là loài trai Tai tượng khổng lồ.

Gia đình voọc chà vá chân nâu. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã ngày một tăng, nhiều nhà hàng, quán nhậu chuyên tiêu thụ thịt đông vật hoang dã mọc lên để đáp ứng yêu cầu của thực khách; nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm liên tỉnh, liên huyện được hình thành,…đã làm giảm một lượng lớn các cá thể động vật hoang dã sống tại các khu rừng tại Bình Thuận. Tình hình trên đã tác động làm suy giảm, mất cân bằng đa dạng sinh thái, xâm phạm nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; đặc biệt có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như: gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, chà vá chân đen, tê tê,… Nguyên nhân là do sự thiếu ý thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; công tác tuyên truyền, giáo dục còn yếu kém, nhiều người dân, kể cả một số cán bộ công chức chưa nhận thấy được tác hại lâu dài của việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Thuận triển khai Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Phòng Cảnh sát Môi trường đã tham mưu Công an tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1255/KH-UBND ngày 13/4/2023 thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2022.

Hội nghị trực tuyến tập huấn pháp luật cho lực lượng Cảnh sát Môi trường do Bộ Công an tổ chức
Kế hoạch gồm 5 phần, với mục đích hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã,...Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đầy đủ phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Phối hợp các Sở, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông triển khai hiệu quả các hoạt động phòng ngừa xã hội; thực hiện các chương trình phối hợp về phòng chống tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các quy định pháp luật và tham gia giám sát, tố giác kịp thời hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về đa dạng sinh học.
Kế hoạch trên thể hiện sự thống nhất cao của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như xử lý vi phạm liên quan đến đa dạng sinh học; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng như cán bộ, công chức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, chung tay góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học tại tỉnh nhà./.
Tiến Thuận