28/07/2023 09:38
323

Lợi ích khi tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân theo quy định mới tại dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), theo đó, đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân (CCCD) để khắc phục các bất cập, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý và bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước; qua đó giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn,...

Việc sử dụng thẻ CCCD đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, khác với phương thức hiện hành, nhằm phục vụ mục tiêu đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên, không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ đang quản lý. Do đó, lợi ích mang lại từ việc tích hợp thông tin vào thẻ CCCD là rất lớn, như:

Đối với cơ quan nhà nước: Việc tích hợp thông tin vào thẻ CCCD sẽ giúp giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân (nếu người dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử của giấy tờ đó). Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sẽ cập nhật, bổ sung kết quả giải quyết vào cơ sở dữ liệu do mình quản lý và trả kết quả điện tử cho người dân. Cơ quan quản lý căn cước sẽ khai thác thông tin người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc đề nghị của người dân. Do vậy, cơ quan, tổ chức không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, người dân: Không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính như bưu chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau... Không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân, ngoài ra có thể phòng tránh việc các loại giấy tờ bị giả mạo.

Hiện nay, thẻ CCCD đã được sử dụng trong đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Công an đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã QR trên thẻ CCCD phục vụ các điểm tiếp dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức.

Về cơ bản, Bộ Công an đã đảm bảo các yêu cầu để thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ CCCD. Bộ Công an sẽ kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin phục vụ việc tích hợp thông tin và khai thác thông tin được tích hợp.

Phòng An ninh nội địa