Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Công tác tạm giữ tạm giam là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tư pháp, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được thực hiện thông suốt theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự. Mục đích tạm giữ, tạm giam không chỉ là ngăn chặn tội phạm và hành vi trốn tránh pháp luật mà còn giáo dục nhân cách, cảm hoá người phạm tội trở thành công dân có ý thức pháp luật, ý thức trong lao động, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như đảm bảo quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Đây là giai đoạn đầu của quá trình giải quyết một vụ án cụ thể, nếu như người phạm tội không được quản lý giam giữ hoặc thi hành tạm giữ, tạm giam không nghiêm thì trật tự, kỷ cương xã hội bị vi phạm và quyền lực nhà nước không được thực thi nghiêm túc. Do đó, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, tạm giam là một yêu cầu khách quan trong hoạt động quản lý nhà nước.