Mạng xã hội, một trong những phát minh số vĩ đại trong kỷ nguyên số 4.0 đã giúp hàng triệu con người kết nối lại gần với nhau hơn chỉ với những “cú chạm màn hình smartphone”, hay những “cú click chuột” giờ đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Sự ra đời của hàng loạt ứng dụng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… đã và đang định hình cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là khoa học - công nghệ, mà ở đó các hoạt động, ý tưởng của mọi người như đang hiện diện vào trong những ứng dụng nhỏ bé chưa tới 200MB (mê-ga-bai).
Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, con người có thể giao lưu, trao đổi, kinh doanh, buôn bán, thể hiện tâm trạng và nắm bắt thông tin không còn nằm trong biên giới của một quốc gia. Có thể thấy hàng loạt tính ưu việt mà mạng xã hội đã mang lại trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng như việc thông tin cá nhân người sử dụng không được bảo mật hoặc tràn lan những thông tin sai sự thật đã tác động đến hành vi, tâm lý của người dùng. Trong đó, nổi lên là hoạt động lợi dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, đặc biệt là ở một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng mạng xã hội một cách tự do, nhưng nhận thức xã hội còn hạn chế và chưa trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, dẫn đến có hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức cộng đồng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác khi có sự khác biệt, bất đồng về suy nghĩ, quan điểm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do sự phát triển chung của xu thế thời đại, mà trong đó nổi lên là sự bùng nổ thông tin trên Internet, các ứng dụng mạng xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ, thì nguyên nhân chủ quan đến từ sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giám sát, giáo dục của các gia đình, nhà trường và xã hội. Một số gia đình do áp lực của công việc, lo làm ăn kinh tế, thậm chí là nuông chiều... nên ít dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, đặc biệt là trẻ vị thành niên, lứa tuổi dễ bị thu hút, cám dỗ bởi những “cái mới”, mặt trái, tiêu cực của xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn, văn minh cho học sinh, sinh viên tại các trường chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả còn hạn chế. Nghiên cứu cho thấy sử dụng mạng xã hội liên tục thời gian dài dễ dẫn đến chứng trầm cảm, hay cáu gắt, có xu hướng “bạo lực ngôn từ”. Huống chi chúng ta lại quá dễ dàng để con trẻ tiếp cận mạng xã hội một cách tự do như vậy thì việc có những hành vi tiềm ẩn nguy hiểm là hiển nhiên, nếu không muốn nói đến xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Cụ thể theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015: Khi bị người khác đưa tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của mình thì cá nhân bị bôi nhọ có quyền yêu cầu Tòa tuyên bố thông tin đó là không đúng với sự thật hoặc yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi và bồi thường thiệt hại; hành vi sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội làm nhục người khác theo Điều 155. Tội làm nhục người khác, Điều 156. Tội vu khống, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng Internet, mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm ở thanh thiếu niên, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, gia đình phải phát huy tốt vai trò quản lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Trước hết, ông bà, cha mẹ phải là tấm gương để con cháu noi theo; thường xuyên quan tâm, chăm sóc, tạo mọi điều kiện để con em mình phát triển về mặt tinh thần, thể chất và trở thành một công dân tốt.
Hai là, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” để cho thanh thiếu niên có những kiến thức căn bản về quyền và nghĩa vụ trước khi tham gia Internet, mạng xã hội.
Ba là, khi tham gia Internet, mạng xã hội phải có thái độ văn minh, văn hóa, tuyên truyền, lan tỏa lời hay ý đẹp, giá trị tích cực đến cộng đồng; không lợi dụng mạng xã hội, Internet làm công cụ để tuyên truyền những yếu tố tiêu cực, đả kích người khác, vi phạm pháp luật.
Bốn là, người có uy tín, KOL mạng (đặc biệt là KOL trẻ, có tác động, ảnh hưởng đối với bộ phận người sử dụng mạng xã hội là thanh thiếu niên) lan truyền những nội dung tích cực, đồng thời có những bài viết, nội dung kêu gọi mọi người tham gia Internet, mạng xã hội một cách có văn hóa, không lợi dụng mạng xã hội làm công cụ để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Năm là, tăng cường kiểm soát, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng Internet, mạng xã hội có các hành vi vi phạm pháp luật nhằm giáo dục, cảnh báo, răn đe phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mạng nói riêng.
Phòng An ninh nội địa